Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013


Chào bạn,

Chắc các bạn làm Marketing Online không lạ gì câu “Content is King - Nội dung là vua” và chân lý này chưa bao giờ là lỗi thời. Do đó viết bài trên web hay blog thì phải luôn hướng đến người đọc và cung cấp thật nhiều nội dung chất lượng, hữu ích là điều tất nhiên và khỏi phải bàn ở đây.

Content is King - Nội dung là vua


Một câu hỏi đặt ra ở đây là bên cạnh yếu tố nội dung thì có cần thêm cái gì khác không ? Trong thời gian qua đã có khá nhiều những tranh cãi về vấn đề này. Một trường phái thì chỉ tập trung vào Content thật tốt và chẳng cần quan tâm gì đến cái yếu tố khác. Một trường phái khác thì tập trung nhiều vào các yếu tố thủ thuật để tạo nội dung theo chuẩn SEO (tức làm sao để tối ưu bài viết theo anh Google để lên Top). Vậy bạn đang theo trường phái nào ?

Riêng mình thì vốn tham lam nên mình chọn phương án sau: “Viết cho người đọc và thân thiện với Google” :) 

Nội dung thân thiện với Google


Theo suy nghĩ của mình, để tạo được một nội dung chất lượng bạn cũng cần phải tốn khá nhiều tâm huyết và công sức, vậy tại sao không chịu dành thêm một chút thời gian để chỉnh chu bài viết của mình cho thân thiện với anh Google hơn (vì Google là nơi bắt đầu của phần lớn hoạt động online mà). 

Hãy đừng nghĩ việc này giống như những thủ thuật hay kỹ thuật SEO hay thậm chí là những chiêu trò để đánh lừa anh Google. Đây đơn giản chỉ là những nghệ thuật để bài viết của bạn thân thiện và dễ hiểu hơn trong mắt của ảnh mà thôi. Và khi anh ấy “KẾT” bạn thì cơ hội để bài viết của bạn xuất hiện nhiều hơn trên Google và lan tỏa đến được với nhiều người hơn là điều hiển nhiên.

Do đó hôm nay trong bài viết này, mình sẽ dành chia sẻ một chút về một số yếu tố để nội dung của bạn thân thiện hơn với Google (chủ yếu trên nền tảng Blogger và Wordpress) để các bạn có thể chắp thêm đôi cánh cho bài viết của mình lan tỏa và đến được nhiều người hơn trong không gian số. 

Lưu ý trong bài này mình chỉ tập trung vào vấn đề này thôi, còn những vấn đề khác như viết nội dung như thế nào cho hay, làm sao để kích thích độc giả like, share, comment cho bài viết của bạn, viết tiêu đề như thế nào cho hấp dẫn và buộc người đọc phải vào xem,... mình xin không bàn ở đây. 

Tương tự như vậy, bài viết này cũng không dành cho các chuyên gia SEO vì đây là mình viết dành cho những bạn tự viết bài và không rành nhiều về kỹ thuật SEO vẫn có thể áp dụng được. Hy vọng các chuyên gia SEO nếu có xem thì góp ý thêm cho mình nhé :)

Bắt đầu nhé các bạn !

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất : “Từ khóa - Keywords”


Nghiên cứu từ khóa:


Cho dù bài viết của bạn có nội dung gì đi nữa, hãy luôn dành thời gian để nghiên cứu xem người dùng internet tìm kiếm nội dung này như thế nào trên Google để từ đó bạn có thể chọn được từ khóa thích hợp cho bài viết của mình. 

Tình huống hay gặp là nội dung của bạn rất giá trị và chất lượng nhưng do bạn sử dụng từ khóa chưa trúng mạch với khách hàng trên môi trường online nên chẳng ai tìm kiếm hay tìm rất ít. Trong trường hợp này đôi khi chỉ cần bạn bổ sung đúng một vài từ khóa thích hợp là kết quả sẽ khác liền.

Hai công cụ dành cho bạn trong việc này là Google Keywords Tool (hiện đã được thay thế bằng Keyword Plannner) và Goggle Search Box (là công cụ gợi ý Keyword khi chúng ta gõ một ký tự hay 1 từ nào đó thì Gooogle sẽ xổ ra danh sách các từ hoặc các cụm từ liên quan cho chúng ra chọn).

Gợi ý từ khóa trên Google Search Box
Gợi ý từ khóa trên Google Search Box


Lựa chọn từ khóa:


Recommend: nên chọn từ khóa phù hợp với nội dung và thị trường của bạn, có lượng tìm kiếm nhiều, mức độ cạnh tranh thấp. Trường hợp từ khóa mức độ cạnh tranh cao thì có thể cân nhắc chọn từ khóa có lượng tìm kiếm ít hơn nhưng có xu hướng phát triển tốt (dùng công cụ Google Trends để nghiên cứu).

Một lưu ý quan trọng là từ khóa dài (Long tail keyword) tuy có lượng tìm kiếm ít hơn nhưng sẽ dễ tiếp cận đúng các đối tượng mục tiêu trên online hơn và có độ chuyển đổi cao hơn. Bạn cứ nghĩ đơn giản là khi bạn muốn mua quà tặng cho bạn gái, bạn sẽ search bằng từ “quà tặng” hay chữ “mua quà tặng bạn gái ở đâu”, “chọn quà gì tặng bạn gái”,...

Phân bố từ khóa trong bài viết: 


Đã qua rồi cái thời nhồi nhét từ khóa vào bài viết một cách cứng ngắc, gây khó chịu cho người đọc. Với mỗi bài viết, bạn chỉ nên tập trung vào 1-2 từ khóa chính thôi, không nên tham lam ôm đồm quá nhiều từ khóa trong 1 bài. Nếu được từ khóa chính cần nhấn mạnh nên ở đoạn đầu tiên của bài viết là tốt nhất.

Thay vì cứ phải nhồi nhét từ khóa chính trong bài viết, bạn hãy dùng thêm các từ khóa phụ (có được từ gợi ý của 2 công cụ khi nghiên cứu từ khóa là Keyword Plannner và Goggle Search Box ) để đa dạng nội dung bài viết và không gây khó chịu cho người đọc. Ngoài ra bạn có thể sử dụng từ đồng nghĩa hay tổ hợp các từ khóa theo các cách khác nhau. Yên tâm là bộ máy tìm kiếm của Google ngày càng thông minh và anh ấy thích những cái gì tự nhiên, phong phú, đa dạng về nội dung cho người đọc thực sự chứ không phải những cái gì lặp đi lặp lại để gây chú ý cho mấy chú robot của hệ thống Google :)

Ví dụ như bạn viết bài về “cách tặng quà cho bạn gái” thì thay vì cứ lặp đi lặp lại cụm từ này, bạn có thể dùng thêm các từ khác như “nên chọn quà gì cho người yêu”, “cách chọn quà tặng cho bạn gái”, “nghệ thuật tặng quà cho người ấy”, “bí kíp chọn quà cho bạn gái”,...thì vẫn tốt.

Nhấn mạnh từ khóa trong bài viết: 


Để nhấn mạnh từ khóa thì bạn không cần phải lặp đi lặp lại nó mà đôi khi đơn giản chỉ cần thay đổi định dạng bằng cách in đậm nó, thay đổi màu sắc cho chữ, in nghiêng, viết hoa,... là mấy chú “bọ” của anh Google đã chú ý rồi.

Nội dung bài viết


Ở đây mình sẽ không bàn về việc nội dung bài viết phải chất lượng hay hấp dẫn như thế nào nữa. Mình chỉ nói về cách nhìn của anh Gu Gồ thôi. Nói chung giống như người, Google thích các nội dung mới, giá trị và độc nhất chứ không phải các nội dung copy hay xào nấu, trùng lắp đầy rẫy trên internet. Do đó nếu bạn muốn anh ấy chú ý đến mình thì đừng áp dụng các hình thức viết nội dung như vậy nhé.

Tiêu đề bài viết 


Ngoài yếu tố khỏi cần phải lăn tăn là tiêu đề cần phải hấp dẫn người đọc, làm sao chỉ cần đọc tiêu đề là muốn click xem chi tiết bài viết, thì tiêu đề bài viết nên ngắn gọn và có chứa từ khóa chính. Đơn giản vậy thôi :)

Mô tả bài viết


Cũng giống như tiêu đề, phần mô tả này cũng cần phải đầy đủ ý và hấp dẫn người đọc để lôi cuốn họ click vào xem bài viết. Phần này nếu có từ khóa thì tốt nhưng không nhất thiết phải có và tuyệt đối không nhồi nhét từ khóa. Sau đây là hình cho thấy phần mô tả này khi bạn tìm kiếm trên Google:


Mô tả bài viết - Meta Description


Lưu ý là phần này nên được khai báo đầy đủ, không nên bỏ sót. Trong Blogger thì nó nằm ở mục “Mô tả tìm kiếm” khi bạn vào phần cài đặt bài viết. Còn trong Wordpress nó là mục “Meta Description” của từng bài viết.

Các thẻ Meta Keyword


Là nơi để bạn khai báo các từ khóa quan trọng của bài viết. Cái này thì bạn có thể bỏ qua trong trường hợp dùng Blogger. Còn nếu dùng Wordpress thì nên khai báo đầy đủ nhưng tuyệt đối không lạm dụng và ăn gian Google (chẳng hạn như bạn khai báo hàng loạt từ khóa nhưng rất nhiều trong đó không có trong bài viết thì cũng không tốt).

Khai báo Tag của bài viết


Cái này gần tương tự như các thẻ Meta Keyword nên cách khai báo cũng tương tự. Tuy nhiên bạn cần phải hiểu ý nghĩa khác nhau giữa Tag bài viết và Meta Keyword bài viết. 

Tag có ý nghĩa giúp Google phân loại các bài viết trong website của bạn theo nhóm rõ ràng hơn. Còn Meta Keyword giúp Google dễ hiểu là bài viết này đang nói đến vấn đề gì.

Lưu ý là trong Blogger thì không có khái niệm Tag nhưng có phần Label (Nhãn) có ý nghĩa gần tương tự nên bạn cũng cần khai báo đầy đủ nhé.

Kết hợp viết theo kiểu Chunking với các thẻ tiêu đề Heading H1 → H6


Chắc hẳn bạn đã biết đến khái niệm Chunking bài viết ra thành từng đoạn ngắn và cách khoảng các đoạn để người đọc không bị ngán và dễ đọc hơn. Cái này sẽ còn tốt hơn nữa nếu bạn kết hợp thêm các tiêu đề con cho từng đoạn ngắn hay từng nhóm đoạn ngắn. 

Đối với người đọc, bố cục này giúp họ dễ hình dung được các ý chính của bài viết. Đối với Google thì bố cục này cũng giúp anh ấy dễ hiểu bài viết này đang nói về vấn đề gì vì các tiêu đề con này chính là những thẻ Heading H1, H2, H3, H4,...và sẽ được các robot của bộ máy Google ưu tiên quét qua trước.

Để tạo các tiêu đề con này trong Blogger thì bạn cứ chọn dòng nào định làm tiêu đề và định dạng nó dưới dạng tiêu đề (thẻ H1), tiêu đề con (thẻ H2) hay tiêu đề nhỏ (H3). 

Định dạng thẻ Heading trong Blogger


Còn trong Wordpress thì cũng tương tự, bạn có thể định dạng nó từ Heading 1 (H1) đến Heading 6 (H6).

Định dạng thẻ Heading trong Wordpress


Lưu ý: một bài viết chỉ nên có 1 thẻ H1, 2 đến 5 thẻ H2 là tối đa, các phần tiêu đề cấp nhỏ hơn còn lại có thể chỉ cần chọn H3 là đủ, không cần đến H4, H5, H6 đâu. Dĩ nhiên là trong các thẻ Heading này, bạn có thể kết hợp phân bố từ khóa vào cho hợp lý là được.

Hình ảnh - Video cho bài viết


Google và cả người đọc đều thích những cái gì đa dạng, phong phú nên nếu bài viết dù hay cách mấy mà chỉ có chữ không thì cũng uổng. Do đó nhất thiết là phải có hình ảnh kèm trong bài viết, nếu có thêm video thì càng tốt. 

Tuy nhiên có một lưu ý là các chú “bọ” của Google sẽ không thể nhìn và hiểu hình ảnh của bạn đang nói gì như con người mình được. Do đó việc thêm các thông tin cần thiết cho ảnh là điều cần làm để giúp Google dễ hiểu hơn.

Đối với hình ảnh thì có 3 thông tin quan trọng:
  1. Tên file ảnh: nên được đặt tên rõ ràng, dễ hình dung và có định dạng sau “noi-dung-hinh-anh.jpg”. Chẳng hạn như mình có một ảnh mẫu cây pha lê Cát Tường cho ngày của mẹ thì sẽ đặt tên file là “cay-pha-le-cat-tuong-cho-mother-day.jpg” chẳng hạn.
  2. Tiêu đề ảnh (Title): cái này chủ yếu dành cho người đọc dễ hiểu nội dung ảnh.
  3. Văn bản thay thế (Alt Text): cái này chủ yếu dành cho Google đọc để hiểu ảnh của bạn nói về cái gì vì Google đâu có nhìn và hiểu được như người. Nó chỉ hiểu text thôi.

Liên kết nội bộ và liên kết ngoài


Một bài viết chất lượng cần phải có những liên kết tham chiếu đến các trang khác có nội dung liên quan và phù hợp, giúp người đọc có thêm những thông tin tham khảo rõ ràng hơn. Đây cũng là cách Google đánh giá tốt bài viết của bạn. Nếu liên kết đó trỏ đến một bài viết khác trong nội bộ web - blog của bạn thì gọi là liên kết nội. Còn nếu trỏ đến một bài trên một web - blog khác thì gọi là liên kết ngoài.

Các liên kết nội càng có giá trị hơn nữa trong việc giúp tăng lượng Page view cũng như giúp người đọc thuận tiện hơn khi ghé thăm ngôi nhà số của bạn → “Time on site” của họ trên web - blog của bạn lớn → anh Google sẽ nhận thấy người đọc ở lại lâu trên web của bạn tức là nội dung của bạn tốt → Google sẽ tự động đưa bài viết của bạn lên Top thôi :)

URL (đường link) bài viết của bạn đã thân thiện chưa ?


Bạn thử so sánh 2 URL này xem sao:

Chắc chắn là URL 2 dễ nhìn và dễ hiểu hơn nhiều ? Và Google cũng như vậy đó, cái nào dễ hiểu hơn anh ấy sẽ ưu tiên hơn. Ngoài ra nếu URL chứa từ khóa chính thì càng tốt.

Nhìn chung hiện nay nếu bạn sử dụng nền tảng Wordpress thì có thể không cần phải lưu ý nhiều vì Wordpress hỗ trợ tự động chuyển URL thân thiện trên cơ sở tiêu đề bài viết của bạn rồi. Riêng các bạn sử dụng Blogger lưu ý là nền tảng này cũng có chế độ chuyển URL tự động nhưng chưa chuyển tốt với ngôn ngữ tiếng Việt. 

Ví dụ:

Trường hợp tiêu đề bài viết là “ĐỂ GOOGLE ĐÁNH GIÁ TỐT BÀI VIẾT CỦA BẠN” thì đây là URL của bài viết trong trường hợp Blogger tự động chuyển:

http://www.hoangtrungquan.info/2013/09/e-google-anh-gia-tot-bai-viet-cua-ban.html

Chế độ URL tự động trong Blogger


Bạn thấy đấy URL trên vẫn chưa chuyển như ý lắm. Để tốt hơn, bạn có thể chỉnh lại URL bằng tay theo ý mình như sau:

http://www.hoangtrungquan.info/2013/09/de-google-danh-gia-tot-bai-viet-cua-ban.html


Chế độ URL tùy chỉnh trong Blogger


Google Authorship và xu thế không thể bỏ qua


Hiện nay Google đang rất đánh giá cao yếu tố “chính chủ” của bài viết. Do đó một bài viết có thêm yếu tố quyền tác giả sẽ được ưu ái và đánh giá cao hơn. Vì thế cuối bài viết bạn nên đính kèm phần chữ ký và dẫn Hyperlink về tài khoản Google + của bạn để tận dụng được cái lợi thế của Google Authorship này (dĩ nhiên trước đó bạn cần có khai báo web - blog của bạn sở hữu trong phần thông tin trên tài khoản G+ và phần chữ ký nên giống tên của bạn đã đăng ký trên Google +). Các bạn có thể tham khảo chữ ký chính chủ của mình cuối bài viết này.

Một số việc cần làm ngay sau khi đã post bài


Việc đầu tiên là thông báo ngay với Google là tôi vừa mới có bài mới bằng cách vào link http://www.google.com/webmasters/tools/submit-url và nhập vào URL của bài viết mới của bạn là xong. 

Sau đó chia sẻ ngay trên Facebook, Google + của bạn. Nhớ tự like, tự +1 và sau đó click vào link này trên trang Facebook, G+ của bạn để vào lại bài viết mới này. Việc này có thể sớm đánh động cho Google biết về sự xuất hiện bài viết mới của bạn đấy.

Nếu web - blog bạn đã có chế độ tự động gửi bài viết mới cho danh sách độc giả đã đăng ký nhận tin mới thì rất tốt. Nếu chưa có thì bạn nên xem xét trang bị chức năng này cho web - blog của bạn là vừa :)

Kết luận


Trên đây là một số cách để bài viết của bạn thân thiện hơn trong mắt của Google. Có vẻ hơi dài nhưng mình nghĩ nó cũng đơn giản và mọi người hoàn toàn có thể áp dụng được vào trong bài viết của mình. 

Dĩ nhiên đến đây sẽ có nhiều bạn đặt câu hỏi: “Tôi thường viết bài theo cảm xúc, nếu cứ chăm chăm theo những cái quy tắc này thì tôi sợ viết không được”. Đây là một câu hỏi rất chí lý mà bản thân mình cũng đã bị gặp phải. Và cách mà mình đã giải quyết là :
  • Đọc và nghiền ngẫm kỹ lại toàn bộ những nội dung trên để mindset của mình thật rõ ràng và note lại trong đầu.
  • Sau đó khi viết bài thì cứ đi theo mạch cảm xúc của bạn và tập trung diễn đạt nó vào bài viết, tạm thời bỏ quên những cái từ khóa, tiêu đề, hình ảnh, thẻ Heading, liên kết...gì đó đi. Sau khi viết xong bạn hoàn toàn có thể ngồi đọc lại và chỉnh chu hay bổ sung những quy tắc trên cũng vẫn OK. Khi đó bài viết của bạn vừa thân thiện với cả người dùng và anh Google đó. Cái này bạn cứ luyện tập viết nhiều lần là sẽ không thấy gò bó gì nhiều nữa đâu. 
Bài viết đến đây thì cũng dài lắm rồi, thú thật là mình cũng chưa từng viết bài nào dài như vậy nên không biết các bạn có bị oải khi đọc hết không :) Do đó rất cảm ơn những bạn nào đã chịu khó dành thời gian đọc đến đây. Chúc các bạn sẽ luôn có những bài viết đạt tiêu chí “Viết cho người đọc và thân thiện với Google”. Và ai có những kinh nghiệm gì khác thì cũng nhớ comment chia sẻ thêm để mọi người cùng áp dụng nhé.

Xin cảm ơn.



10 nhận xét:

  1. Hi Anh Hoàng Trung Quân,

    Cảm ơn bài chia sẻ rất hay và hữu ích cho mình, đọc xong bài viếc của Anh mình có nhiều việc để làm.

    Thích nhất đoạn iện nay Google đang rất đánh giá cao yếu tố “chính chủ” của bài viết. Do đó một bài viết có thêm yếu tố quyền tác giả sẽ được ưu ái và đánh giá cao hơn. Vì thế cuối bài viết bạn nên đính kèm phần chữ ký và dẫn Hyperlink về tài khoản Google + của bạn để tận dụng được cái lợi thế của Google Authorship này (dĩ nhiên trước đó bạn cần có khai báo web - blog của bạn sở hữu trong phần thông tin trên tài khoản G+ và phần chữ ký nên giống tên của bạn đã đăng ký trên Google +). Các bạn có thể tham khảo chữ ký chính chủ của mình cuối bài viết này.

    Chào anh, chúc anh sức khỏa.

    Bùi Thế Hiển - Giám Đốc Công Ty Cổ Phần Market American

    http://ChoMy.com.vn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là yếu tố bản quyền tác giả nội dung đang ngày càng được Google đề cao và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá nội dung chất lượng cũng như chống lại tình trạng sao chép nội dung tràn lan trên mạng hiện nay. Đó là xu thế và định hướng tốt cho việc xây dựng nội dung nên bạn Hiển nhớ áp dụng nhé.

      Cảm ơn bạn Hiển đã ghé thăm nhà và trao đổi. Chúc bạn và GĐ luôn vui.

      Hoàng Trung Quân

      Xóa
  2. Hi Quân,
    Cám ơn bạn đã chia sẻ những chiến lược viết bài để thân thiện với google thật là tuyệt vời, qua bài chia sẻ của bạn mình học hỏi được rất nhiều. Cám ơn bại đã chia sẻ những giá trị cho cộng đồng.

    http://vesinhsieusach.com/

    Trả lờiXóa
  3. Chào bạn Hoàng Trung Quân,

    Cảm ơn vì bài viết rất hay và đầy đủ về “Viết cho người đọc và thân thiện với Google”. Đúng là cái mình đang cần. Đọc hết bài viết của bạn mình đã vở ra nhiều điều.

    Tôi thích nhất là đoạn: "Cho dù bài viết của bạn có nội dung gì đi nữa, hãy luôn dành thời gian để nghiên cứu xem người dùng internet tìm kiếm nội dung này như thế nào trên Google để từ đó bạn có thể chọn được từ khóa thích hợp cho bài viết của mình."

    Một lần nữa cảm ơn bạn và chúc cho bạn thành công trong lĩnh vực của mình và có thêm nhiều bài viết bổ ích nữa nhé.

    Nguyễn Hồng Sơn - GĐ Công ty Sơn Vũ - Chuyên sản xuất máy cắt plasma cnc - www.sonvu.net

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh Sơn,

      "Viết cho người đọc và thân thiện với Google" thực sự là sẽ rất hiệu quả nếu có đầy đủ 2 vế. Một nội dung tốt, chất lượng cho người đọc là điều kiện tiên quyết đầu tiên. Và nếu nó được viết thân thiện với Google thì giống như hổ chắp thêm cánh vậy. Do đó đây là một định hướng mà khi mình xây dựng Content không nên bỏ qua. Chúc anh áp dụng thành công vào việc kinh doanh của mình nhé.

      Cảm ơn anh đã xem và đồng cảm với bài viết

      Xóa
  4. Chào anh Hoàng Trung Quân!
    Tôi định làm trang web về TMĐT viết bằng php (Trang nguavang.com). Tuy nhiên khi bấm vào một sản phẩm nào đó thì trên đường link chỉ hiện lên dạng nguavang.com/product/category/423/detail/3854. Tôi muốn nó hiện ở dạng nguavang.com/ten-san-pham có được không?
    Cám ơn anh nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em không rõ anh viết bằng ngôn ngữ nào, tuy nhiên hiện nay các mở nguồn mở hay nếu anh tự code gần như là có thể chỉnh cái URL của anh cho thân thiện hơn. Anh có thể liên hệ các bạn đang quản trị trang web của mình và nhờ các bạn làm nhé.

      Cảm ơn anh

      Xóa
  5. Cám ơn anh Quân vì những chia sẽ rất hay và bổ ích!

    Hy vọng anh Quân sẽ tiếp tục có nhiều bài chia sẽ hơn nữa để mọi người được học hỏi!

    Cảm ơn Anh!

    http://www.arena-multimedia.com.vn/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã đồng cảm với những gì mình viết nhé. Dạo này mình bận bịu nên chưa ra được bài nào mới cả, hy vọng sẽ sớm có thêm những chia sẻ mới

      Xóa